Giá xăng liên tục tăng và chạm mốc kỷ lục, vậy quỹ bình ổn có vai trò gì?

Sau 13 năm ra đời, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) vẫn là chủ đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Cụ thể, Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu từng nhiều lần bị đề nghị bãi bỏ
Được thành lập từ năm 2009, sau 13 năm, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là chủ đề nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Thậm chí, năm 2019, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về nội dung báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018” không ít doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã ủng hộ việc bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Lý do được đưa ra là trên thực tế, cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường).
Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.
Theo Luật giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp. Vì vậy, đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật giá mà không cần quỹ bình ổn.
Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít trước khi bán ra thị trường đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Ảnh: Tiền Phong
Theo quy định tại Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Mức trích lập và thời điểm trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường và thông báo để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện.
Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu cho biết, việc trích lập quỹ 300 đồng thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào quỹ âm (tiền của doanh nghiệp) thì họ than vãn. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán…
Đối với những doanh nghiệp phân phối xăng dầu như chúng tôi không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, doanh nghiệp trung gian không dám mua“, thương nhân này nói.

Quỹ BOG khó “gánh” được sức nóng của giá xăng dầu từ đầu năm đến nay?
Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính – Công Thương về việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ BOG.
Quỹ BOG được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng quý, tháng và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ BOG đối với Bộ Tài chính (được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 234/2009/TT-BTC).
Liên Bộ Tài chính – Công Thương với vai trò quản lý cũng nhiều lần khẳng định việc sử dụng quỹ này giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Vy – Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam từng chia sẻ trên Dân trí rằng, quỹ bình ổn vẫn cần duy trì để tránh việc tăng sốc. Có chăng điều cần thay đổi là làm sao có cơ chế để minh bạch hơn, tăng cường giám sát từ các bên hơn.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay, tính đến hết Quý IV/2021 số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 898,582 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng chưa đến 1/10 so với số dư 1 năm trước đó là 9.234,614 tỷ đồng.
Như vậy, với số dư này, quỹ BOG khó có thể “gánh” được sức nóng của giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay. Trong khi đó, trước kỳ điều chỉnh mới nhất (11/3), Quỹ BOG hình thành tại Petrolimex đang âm 250 tỷ đồng.
(Soha.vn)