Ba mũi trừng phạt phương Tây nhắm vào Nga
Phương Tây áp loạt biện pháp trừng phạt với Nga theo ba mũi, nhắm vào hệ thống tài chính, doanh nghiệp và giới tinh hoa, nhằm tăng sức ép với Moskva.
Sau khi kiên quyết loại bỏ phương án can thiệp quân sự trực tiếp, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tập trung vào các biện pháp trừng phạt nhằm tìm cách “cô lập” Nga, với hy vọng tạo sức ép đủ lớn để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo định nghĩa của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ quốc tế có trụ sở ở New York, lệnh trừng phạt là biện pháp cắt quan hệ thương mại hoặc tài chính nhằm phục vụ mục đích an ninh hoặc đối ngoại. Đây là chiến thuật được áp dụng phổ biến để ngăn các cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra.
Daniel Gielchinsky, luật sư chuyên về tranh chấp thương mại và luật tài chính tại Florida, cho rằng Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung vào ba mũi chính khi áp đặt loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Loại Nga khỏi các hệ thống quốc tế
Mũi trừng phạt đầu tiên của phương Tây nhắm vào các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ Nga, điển hình là lệnh cấm một số ngân hàng Nga tiếp cận SWIFT, hệ thống liên lạc tài chính toàn cầu phục vụ các giao dịch quốc tế. Trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt, việc mua bán dầu giữa Nga và Mỹ được thực hiện thông qua SWIFT.
“Nếu bạn loại một quốc gia khỏi SWIFT, về cơ bản bạn đang nói rằng họ không thể tham gia vào mạng lưới thương mại quốc tế”, Gielchinsky nói, thêm rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử một nhóm nước đưa ra động thái trừng phạt này. “Nga về cơ bản đã bị loại khỏi nền kinh tế quốc tế”.
Phương Tây cũng nhắm vào kho dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga. Cơ quan này đang nắm giữ số ngoại tệ và vàng trị giá khoảng 630 tỷ USD, nhưng một nửa trong số đó đang được gửi tại các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Nga giờ đây không thể sử dụng số tài sản này để hỗ trợ nền kinh tế trước các đòn trừng phạt.
Cắt quan hệ với doanh nghiệp
Cắt quan hệ với một số doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Nga là hướng trừng phạt thứ hai của phương Tây. “Với lệnh trừng phạt này, bạn tuyên bố sẽ không mua bán hàng hóa với các doanh nghiệp đó. Bạn cũng sẽ không làm ăn với bất kỳ ai giao dịch với họ”, Gielchinsky giải thích.
Đó là ý định của Tổng thống Joe Biden khi ông đầu tháng này thông báo Mỹ sẽ cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than đá từ Nga. Vài ngày sau đó, Mỹ tiếp tục cấm nhập khẩu hải sản, rượu vodka và kim cương từ quốc gia này.
Xuất khẩu hàng cao cấp sang Nga, bao gồm đồng hồ, ôtô, rượu cao cấp, cũng nằm trong danh sách cấm của Mỹ và một số đồng minh châu Âu. Nhà Trắng ước tính nhóm hàng xuất khẩu này có giá trị lên tới 550 triệu USD mỗi năm.
Những biện pháp trừng phạt này có thể xem là “rất cứng rắn”, theo Gielchinsky.
Trừng phạt giới tinh hoa
Mỹ và các đồng minh phương Tây ngày càng tăng cường sức ép với nhóm tinh hoa Nga thông qua các biện pháp trừng phạt cá nhân. Đây là hình thức hiếm được sử dụng nhất trong các loại trừng phạt, nhưng là biện pháp “rất khắc nghiệt”, Gielchinsky cho hay.
Những người bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách trừng phạt là các tài phiệt, tỷ phú được cho là có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Họ ủng hộ các chính sách của ông ấy”, Gielchinsky nói. “Khi bạn trừng phạt những người giàu có này, đó sẽ là một tuyên bố rất mạnh mẽ”.
Mỹ, Anh, EU và Canada đã đóng băng tài sản của nhiều tài phiệt Nga và cấm họ tiến hành hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ. Một số nhà lập pháp Mỹ cũng hy vọng sẽ thông qua luật cho phép chính phủ liên bang tịch thu tài sản trị giá trên 5 triệu USD của tài phiệt Nga, như bất động sản và du thuyền. Trước Mỹ, một số quốc gia đã có biện pháp tương tự, trong đó có Pháp, nước đã tịch thu siêu du thuyền trị giá 120 triệu USD của tài phiệt Nga Igor Sechin.
Tranh cãi về hiệu quả
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là liệu ba mũi trừng phạt trên của phương Tây có phát huy hiệu quả với Nga như lãnh đạo các nước này kỳ vọng hay không. Giới chức Điện Kremlin nhiều lần lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời tuyên bố ông Putin sẽ không bị ảnh hưởng vì “không có bất kỳ tài sản nào ở nước ngoài”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng thừa nhận rằng Tổng thống Nga “không quan tâm” đến các lệnh trừng phạt nặng nề mà phương Tây đang áp đặt với Moskva.
Có nhiều cách để Nga thoát ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, như sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế thay thế cho SWIFT và sử dụng nguồn ngoại tệ, vàng dự trữ của quốc gia, dù các nước phương Tây đang nỗ lực để ngăn kịch bản này.
Nga không phải bên duy nhất chịu những tổn thương từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giới chuyên gia dự đoán chúng có thể ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là những nước vốn phụ thuộc nhiều vào lúa mỳ hay khí đốt của Nga.
Sự thống trị của Nga trong thị trường khí đốt và dầu mỏ toàn cầu mang tới đòn bẩy quan trọng để nước này đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế nguồn cung cho các quốc gia khác. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến châu Âu ngần ngại áp lệnh trừng phạt dầu khí với Nga, do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ nước này.
Sau lệnh cấm dầu Nga của Mỹ, giá dầu thế giới đã tăng kỷ lục hồi đầu tháng 3, kéo theo giá kim loại, năng lượng và thực phẩm tăng theo, dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao ở một số nước, trong đó có Mỹ.
Tổng thống Putin ngày 23/3 thông báo sẽ tiếp tục bán khí đốt cho các nước “kém thân thiện” với Nga, nhưng không chấp nhận euro hay USD, mà yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble. Các nước bị liệt vào danh sách “kém thân thiện” với Nga gồm Mỹ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Nga cũng đã cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng cho tới cuối năm 2022, gồm các sản phẩm trong lĩnh vực viễn thông, y tế, xe, nông nghiệp, thiết bị điện và gỗ.
Tổng thống Putin hồi đầu tháng này khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ chỉ khiến Nga trở nên mạnh mẽ hơn.
“Các biện pháp trừng phạt này sẽ được phương Tây áp dụng trong mọi trường hợp. Có một số rắc rối và khó khăn, nhưng quá khứ đã cho thấy chúng tôi vượt qua chúng và giờ chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua”, ông Putin nói. “Cuối cùng, tất cả điều này sẽ dẫn đến sự tăng cường độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng tôi”.
VNExpress.net – Thanh Tâm (Theo Business Insider, Al Jazeera, Sky News)