NATO nỗ lực bảo vệ ‘gót chân Achilles’
Ba thành viên vùng Baltic được coi là “gót chân Achilles” của NATO, do có thể dễ dàng bị cô lập nếu mất kiểm soát biển Baltic và hành lang Suwalki.
Ngày 16/2, khi thông tin tình báo cho thấy Nga sắp mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi kỷ nguyên hiện tại là giai đoạn “bình thường mới” của liên minh.
Được thành lập năm 1949 để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô, NATO đang đối mặt với mối đe dọa an ninh được cho nghiêm trọng nhất của liên minh kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Sau khi chật vật để tìm kiếm một vai trò mới hậu Chiến tranh Lạnh, chống lại chủ nghĩa khủng bố sau cuộc khủng bố 11/9 ở Mỹ năm 2001 và cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, NATO đang quay lại nhiệm vụ bảo vệ liên minh khỏi mối đe dọa từ đối thủ ban đầu.
Chỉ vài giờ sau khi loạt tên lửa đầu tiên của Nga trút xuống các thành phố Ukraine ngày 24/2, trung tá hải quân Đức Terje Schmitt-Eliassen nhận lệnh chỉ huy 5 tàu chiến dưới quyền cơ động tới Latvia để bảo vệ mắt xích yếu nhất tại sườn đông của NATO. 12 tàu chiến của NATO sẽ tham gia diễn tập rà phá bom mìn ở biển Baltic trong những ngày tới.
Trước khi Liên Xô tan rã, NATO có thể kiềm chế Liên Xô bằng cách phong tỏa lối vào phía tây biển Baltic, khiến hạm đội Baltic của Liên Xô không thể tới Biển Bắc để tấn công các đoàn tàu cung ứng của Mỹ.
Nhưng hiện vị thế của Nga và NATO đã bị đảo ngược. Moskva giờ đây hoàn toàn có thể bao vây các thành viên vùng Baltic của NATO và cô lập họ với phần còn lại của liên minh.
Ba quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, gồm Latvia, Litva và Estonia, với tổng dân số khoảng 6 triệu người, có một đoạn biên giới trên bộ duy nhất tiếp giáp lãnh thổ chính của liên minh. Đường biên giới dài 65 km này, hay còn gọi là “Hành lang Suwalki” nằm giữa Ba Lan và Litva, được xem là yết hầu quan trọng của NATO. Hành lang này nằm giữa Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga, ở phía tây và Belarus ở phía đông.
Vì vậy, mục tiêu của NATO là phải đảm bảo các cửa ngõ tới ba nước Baltic luôn rộng mở, trong đó nhiệm vụ của Schmitt-Eliassen là bảo vệ tuyến đường biển.
Hàng triệu tấn bom mìn và vũ khí hóa học cũ được cho là đang nằm dưới đáy biển Baltic sau hai cuộc thế chiến. Bất kể thông tin nào về bom mìn, dù chính xác hay tin đồn, cũng có thể khiến các bến cảng phải đóng cửa trong nhiều ngày để kiểm tra. Nếu điều đó xảy ra ở Baltic, các kệ hàng siêu thị ở những nước này có nguy cơ hết sạch hàng.
Ngay cả những con tàu thương mại cũng có thể trở thành vấn đề quân sự nếu bị kẹt ở lối vào hẹp phía tây, theo Schmitt-Eliassen, ám chỉ tới kịch bản tàu Ever Given từng bị mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3/2021.
“Bạn không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai về những sự cố như vậy, nó không thể quy trách nhiệm”, phó đô đốc Jan Christian Kaack của hải quân Đức, nói.
Đồng thời, bảo vệ “Hành lang Suwalki” cũng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Nếu Nga kiểm soát hành lang, yết hầu của NATO sẽ bị bóp nghẹt.
“Nga hoàn toàn có thể kiểm soát Hành lang Suwalki”, tướng Đức về hưu Hans-Lothar Domroese, người từng lãnh đạo một trong những bộ chỉ huy cao nhất của NATO ở thị trấn Brunssum, Hà Lan, nói, thêm rằng kịch bản này có thể xảy ra “trong vài năm tới”.
Những động thái của Nga gần đây không hoàn toàn dự đoán được. Tổng thống Vladimir Putin đã báo động lực lượng hạt nhân hôm 28/2, động thái mà Stoltenberg cho là rất đáng lo ngại.
Điện Kremlin không trả lời yêu cầu bình luận. Ông Putin nói mối lo ngại của Nga trong hơn ba thập kỷ về xu hướng mở rộng về phía đông của NATO đã bị phương Tây phớt lờ. Ông nói NATO đang tăng cường lực lượng trên lãnh thổ Ukraine và có thể đe dọa an ninh quốc gia Nga.
Hôm 11/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói phương Tây đang tăng cường lực lượng gần biên giới phía tây của Nga. Tổng thống Putin đã yêu cầu ông Shoigu chuẩn bị báo cáo về cách ứng phó.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng cảnh báo các nước vùng Baltic sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga, nhưng Moskva bác bỏ. Biển Baltic là một thị trường vận chuyển lớn và sầm xuất với nhiều container và các loại hàng hóa khác, kết nối Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Nga với phần còn lại của thế giới.
Peter Sand, nhà phân tích tại nền tảng Xeneta, nói khu vực này đã biến đổi từ một nơi “yên bình bình thường trở thành một khu vực mà bạn phải cẩn trọng từng bước”.
Trong gần 25 năm, phương Tây tin rằng có thể tăng cường quan hệ thương mại và ngoại giao với Nga để duy trì sự ổn định và an ninh châu Âu. Năm 1997, NATO và Nga ký thỏa thuận về xây dựng lòng tin và hạn chế hiện diện quân sự của cả hai bên ở khu vực Đông Âu.
Liên minh đã tìm cách xây dựng quan hệ đối tác với Nga, quốc gia từng tham gia cuộc tập trận của NATO ở Biển Baltic năm 2012, theo đô đốc về hưu James Foggo, cựu chỉ huy hạm đội của Mỹ và NATO ở châu Âu.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO đã thành lập các đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhỏ, đa quốc gia ở Ba Lan và ba nước vùng Baltic, đóng vai trò răn đe Moskva. Nhưng NATO nỗ lực duy trì lực lượng này ở quy mô nhỏ, nhằm không vi phạm thỏa thuận về hạn chế hiện diện quân sự với Nga.
“Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng sẽ không còn kẻ thù nào nữa”, đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO, nói. “Chúng tôi hiện phải đối mặt với một quốc gia hành động quyết liệt và có những lực lượng mà chúng tôi từng nghĩ không còn được sử dụng nữa”.
Dù số lượng liên tục thay đổi, quân số mà Tư lệnh tối cao liên minh NATO ở châu Âu Tod Wolters chỉ huy đã tăng gấp đôi lên khoảng 40.000 từ khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine. Các đồng minh NATO cũng đã điều 5 tàu sân bay vào các vùng biển châu Âu, ở Na Uy và Địa Trung Hải, tăng số lượng máy bay chiến đấu trong không phận NATO và tăng hơn hai lần quy mô các đơn vị tác chiến ở Baltic và Ba Lan.
Giới quan sát cho rằng thay đổi lớn nhất trong giai đoạn “bình thường mới” của NATO là quyết định đảo ngược chính sách chi tiêu quốc phòng của Đức. Berlin đã nhiều năm phản đối áp lực từ Mỹ về tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP. Năm 2021, con số này của Đức chỉ ở mức 1,5%.
Nhưng ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP và cam kết đầu tư 110 tỷ USD cho quân đội.
Mỹ cũng đang chuyển nhiều thiết bị quân sự hơn sang châu Âu, trong đó có xe quân sự và vũ khí tới Bỉ, Hà Lan, Đức và Ba Lan để quân đội Mỹ mới được điều tới có thể sử dụng ngay lập tức.
Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói trạng thái “bình thường mới” của liên minh là một bước tiến so với những gì đã làm khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nó có thể được đưa vào tài liệu chiến lược chính thức của NATO, dự kiến được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh liên minh ở Madrid vào tháng 6.
“Bạn sẽ thấy khả năng chiến đấu được nâng cao để trấn an các đồng minh phía đông và gửi thông điệp răn đe nổi bật hơn tới Nga”, Lute nói.
Ông nói các đơn vị tác chiến đa quốc gia với khoảng 5.000 quân mà NATO đang triển khai ở các nước Baltic và Ba Lan nên được tăng đáng kể về quy mô. Ông cũng hy vọng các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot được triển khai ở các nước này. Ngoài ra, nhiều vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ sẽ được bố trí sẵn ở châu Âu, trong khi tăng lực lượng NATO quân đóng ở Romania, Bulgaria, Slovakia và Hungary.
Phái đoàn Mỹ tại NATO từ chối bình luận về thông tin này. Đặc phái viên của phái đoàn Mỹ Julianne Smith hôm 15/3 nói liên minh đang đưa ra các cam kết để tăng thêm sức mạnh quân sự ở Trung và Đông Âu, cũng như phát triển các công cụ chính sách mới.
Nhưng cũng như trong Chiến tranh Lạnh, NATO cần tiếp tục giữ liên lạc với Nga để tránh các rủi ro dẫn tới hậu quả tàn khốc.
“NATO có nhiều trách nhiệm phải làm hơn là chỉ tìm cách ngăn chặn Nga. Họ phải tìm cách quản lý tình trạng bất ổn chiến lược không thể tránh khỏi”, Adam Thomson, cựu đại sứ Anh tại NATO và hiện là giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu ở London, nói.
VNExpress.net – Thanh Tâm (Theo Reuters)