RT: Các lão làng đã cảnh báo xung đột Ukraine trong nhiều thập kỷ nhưng không ai nghe

Các chuyên gia đã liên tục cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ gây ra xung đột với Nga.
Các lão làng đã cảnh báo nhưng không ai nghe
Trong bài viết đăng trên RT (Nga), nhà báo Mỹ Bradley Blankenship cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang gây ra phản ứng dữ dội, đặc biệt là của các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng là kết quả đã được các chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu thế giới dự đoán trong nhiều thập kỷ nhưng không ai nghe.
Cụ thể, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ gây ra xung đột với Nga.
Người đầu tiên được nhắc đến là học giả hàng đầu về Nga tại Mỹ George Kennan, người đặt nền móng cho chiến lược chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, cho biết việc NATO mở rộng sang Trung Âu trong những năm 1990 là “sai lầm nghiêm trọng nhất trong chính sách của Mỹ trong toàn bộ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh”. Ông cảnh báo việc mở rộng NATO sẽ làm tổn hại mối quan hệ Mỹ-Nga sâu sắc đến mức Nga sẽ không bao giờ trở thành đối tác và sẽ mãi là đối địch.
9 ngày trước khi Nga thực hiện hành động quân sự ở Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô từ năm 1987 đến năm 1991 Jack Foust Matlock Jr. đã nói rằng, xung đột hiện nay tại Ukraine có thể tránh được “trong ngắn hạn” và nó hoàn toàn có thể được dự đoán. “Việc mở rộng NATO là sai lầm chiến lược sâu sắc nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc“, ông cho biết.
Cựu Đại sứ Mỹ cũng cho hay mặc dù thường xuyên lên tiếng lo ngại nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ đe dọa các nước Baltic vì yêu cầu chính của ông chủ Điện Kremlin là đảm bảo rằng NATO sẽ không có thêm thành viên nào, đặc biệt là Ukraine hay Gruzia. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, “cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không xảy ra nếu NATO không mở rộng liên minh sau Chiến tranh Lạnh hoặc nếu việc mở rộng diễn ra phù hợp với việc xây dựng một cấu trúc an ninh ở châu Âu bao gồm cả Nga”.
Học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế John Mearsheimer cho rằng, mầm mống xung đột hiện tại bắt nguồn từ tháng 4/2008, “tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest khi NATO đã đưa ra tuyên bố nói rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành một phần của [NATO]”.
Theo ông, “người Nga đã nói rõ ràng vào thời điểm đó rằng họ coi đây là một mối đe dọa hiện hữu và họ đã đưa ra giới hạn” bởi với họ vấn đề Ukraine gia nhập NATO là chìa khóa quan trọng liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Nga.
“Phương Tây đang dẫn dắt Ukraine đi theo con đường hướng đến sự sụp đổ và kết quả cuối cùng là Ukraine sẽ bị tàn phá… Những gì chúng ta [phương Tây] đang làm trên thực tế là khuyến khích kết quả đó“, ông Mearsheimer cảnh báo.
Chuyên gia về Nga nổi tiếng Stephen Cohen cũng cảnh báo trong cuộc xung đột năm 2014 ở Ukraine rằng, “nếu NATO di chuyển về phía biên giới của Nga … thì rõ ràng là sẽ quân sự hóa tình hình và Nga sẽ không lùi bước bởi đó là sự tồn vong”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng cảnh báo “Ukraine không nên gia nhập NATO” vì điều này sẽ biến Ukraine trở thành một tiền đồn trong một cuộc đối đầu Đông-Tây.
Tại sao lại không ai nghe?
Nhà báo Mỹ Bradley Blankenship cho biết, giới chức phương Tây đều biết đến những cảnh báo này nhưng dường như không có ai mặn mà. “Chà, rất có thể nó liên quan đến việc kiểm soát châu Âu và đảm bảo NATO không sụp đổ. Theo nghĩa đó, [hành động quân sự] ở Ukraine của Nga đã đảm bảo mục tiêu này và sau đó là một số mục tiêu khác“, nhà báo Blankenship nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức vào tháng 6 này tại Madrid, Tây Ban Nha có thể sẽ chứng kiến sự hình thành của văn kiện khái niệm chiến lược NATO đầu tiên kể từ năm 2010. Đây sẽ là khuôn khổ chiến lược hoạt động của NATO trong ít nhất một thập kỷ tới với các mục tiêu rõ ràng.
Trước đó, Pháp đưa ra sáng kiến về một chiến lược phòng thủ chung của châu Âu hay còn được coi là “bổ sung cho NATO”. Vào tháng 9/2021, trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông chủ Nhà Trắng Joe Biden cũng tán dương kế hoạch này. “Mỹ cũng nhận ra tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn và có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, đồng thời là bổ sung cho NATO“.
Theo nhà báo Mỹ, hành động quân sự của Nga ở Ukraine dường như đã khiến NATO trẻ hóa chỉ sau một đêm và đặt châu Âu vào tình trạng báo động cao. Điều này thể hiện rõ ràng trong việc xoay trục chính sách đối ngoại của Đức khi nước này thông báo sẽ tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% GDP để ứng phó trực tiếp với tình hình ở Ukraine; Thụy Điển và Phần Lan được cho sẽ cân nhắc việc gia nhập NATO và thậm chí Thụy Sĩ chấm dứt tình trạng trung lập, gia nhập các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga.
Đồng thời theo ông này, hội nghị thượng đỉnh tháng 6 ở Madrid với nội dung chiến lược nhắm trực tiếp đến Nga – thậm chí có thể là Trung Quốc vừa nâng cao tiếng nói của NATO lại phù hợp với lợi ích của Mỹ. Bởi tất cả những điều này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Đức ngừng dự án Nord Stream 2, Nga bị trừng phạt kinh tế, lĩnh vực công nghiệp-quân sự dự đoán sẽ sôi động hơn nữa.
Do đó, theo Blankenshi dù các chiến lược gia ở phương Tây có thể dự đoán được xung đột Ukraine sẽ xảy ra nhưng họ đã không ngăn lại bởi nó phù hợp với chương trình nghị sự của NATO sắp tới.
(Soha.vn)